Cà phê và lịch sử thế giới.

Cà phê và lịch sử thế giới có nhiều mối liên kết chặt chẽ với nhau. Nhiều sự kiện có ảnh hưởng lớn đến lịch sử toàn thế giới có một phần nguyên nhân đến từ hạt cà phê.

Hơn năm thế kỷ trước, khi cà phê còn là loại cây trồng bản địa ở vùng lãnh thổ Đông Phi của Ethiopia và Yemen, các giáo sĩ Sufi từ Ả Rập đã sử dụng loại đồ uống này với mục đích tương tự như mọi người uống ngày nay – để tăng cường sự tỉnh táo. Mục tiêu của họ lúc đó là để đạt được tâm thức thiêng liêng trong những lời cầu nguyện lúc nửa đêm.

Trên con đường dài hàng thế kỷ để trở thành hàng hóa được giao dịch phổ biến thứ hai trên toàn thế giới (sau dầu mỏ) và là thức uống toàn cầu, cà phê là công cụ để xây dựng các đế chế và thúc đẩy một cuộc cách mạng công nghiệp. Đôi khi, nó là động lực che giấu đằng sau sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân, chế độ nô lệ và nội chiến đẫm máu. Theo thời gian, cà phê đã thay đổi cách mọi người sống, làm việc và tương tác. Bài viết này sẽ trình bày sáu cách mà hạt cà phê đã thay đổi thế giới.

Cà phê là một loại đồ uống mạnh mẽ. Ở cấp độ cá nhân, nó giúp chúng ta tỉnh táo và năng động. Ở mức độ rộng hơn nhiều, nó đã giúp định hình lịch sử và tiếp tục tạo dựng nền văn hóa của chúng ta.

Toàn cầu hóa cà phê và lịch sử chế độ nô lệ.

Sau khi lan sang vùng Cận Đông, Bắc Phi và Địa Trung Hải, việc buôn bán cà phê đã đến châu Âu vào thế kỷ 17. Khi đồ uống này ngày càng phổ biến, các đế chế nhận ra rằng họ có thể tự trồng cà phê bằng cách sử dụng lao động nông dân và nô lệ ở các thuộc địa xa xôi của họ. Vào thế kỷ 18, các nhà lãnh đạo Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan đã biến cà phê trở thành một trong những cây trồng mang lại lợi nhuận hàng đầu cho người thuộc địa, cùng với đường, bông và thuốc lá.

Từ Indonesia đến châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, những người lao động nô lệ bị buộc phải trồng cà phê trên các đồn điền thuộc địa. Thuộc địa St. Dominique thuộc vùng Caribe của Pháp đã cung cấp 2/3 sản lượng cà phê của thế giới vào cuối những năm 1700 cho đến khi các đồn điền trên đảo bị đốt cháy và các chủ sở hữu bị thảm sát trong Cách mạng Haiti năm 1791. Thậm chí, người Bồ Đào Nha còn sử dụng nhiều lao động nô lệ hơn nữa để tạo ra Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Brazil, quốc gia đưa số lượng nô lệ lớn nhất đến Tân Thế giới và là quốc gia cuối cùng ở Tây bán cầu bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1888, đã biến cà phê trở thành trung tâm của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng cũng như cấu trúc chính trị và xã hội của quốc gia này.

Một vài thập kỷ sau khi thành lập các đồn điền cà phê đầu tiên trên đảo Java vào đầu thế kỷ 17, người Hà Lan đã tạo ra vườn thực vật đầu tiên ở châu Âu vào năm 1638. Hoạt động thương mại sinh lợi từ cây cà phê đã giúp người Hà Lan thống trị ngành sản xuất cà phê của Indonesia. Do đó, vào thế kỷ 17 và 18, Amsterdam đã trở thành thủ đô cà phê của thế giới. Năm 1830, chính phủ Hà Lan tiếp tục thiết lập Cultuurstelsel, một hệ thống canh tác bóc lột yêu cầu nông dân sản xuất cà phê thay vì các loại cây lương thực, gây ra nạn đói và dịch bệnh vào những năm 1840. Các nhà sử học Indonesia gọi chính sách thuộc địa này là tanam paksa (hay “cưỡng chế trồng trọt”).

Quán cà phê và sự thay đổi xã hội

Các quán cà phê lần đầu tiên xuất hiện ở Đế chế Ottoman, nơi những người theo đạo Hồi, kiêng rượu, không cần phải tụ tập trong quán rượu. Qua nhiều thế kỷ và trên khắp thế giới, các quán cà phê đã trở thành chìa khóa để thiết lập cái mà một số triết gia gọi là “không gian công cộng”, từng bị giới tinh hoa thống trị, dần trở thành không gian quần chúng, phổ biến rộng rãi hơn với mọi người.

Quay trở lại thế kỷ 16, người Thổ Nhĩ Kỳ – những người đã truyền bá cà phê khắp thế giới Hồi giáo và sau đó đến châu Âu – đã cố gắng đóng cửa các quán cà phê, chỉ để vấp phải sự phản đối của đám đông ủng hộ cà phê buộc họ phải mở cửa trở lại. Quán cà phê là nơi chung duy nhất mà đàn ông có thể tụ tập và thảo luận về tin tức đương thời, tôn giáo, chính trị và buôn chuyện phiếm, trong khi vẫn tránh khỏi con mắt giám sát của các cơ quan tôn giáo hoặc nhà nước.

Ở châu Âu, những người khách quen ở quán cà phê đã gieo mầm cho những cách thức mới để xử lý nền kinh tế và định hình chính trị. Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn, công ty bảo hiểm Lloyd’s of London, và Công ty Đông Ấn được thành lập tại các quán cà phê. Ở thuộc địa Mỹ, các quán rượu và quán cà phê ở Boston là nơi nổi tiếng dành cho các nhà lãnh đạo của “Những đứa con của Tự do” gặp nhau để tổ chức Tiệc trà Boston năm 1773 và thúc đẩy những ý tưởng mang tính cách mạng của họ dẫn đến cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ.

Triết gia người Pháp – Montesquieu, người viết tác phẩm De l’esprit des lois (Bàn về tinh thần pháp luật) và đưa ra nhiều luận thuyết chính trị, pháp luật làm nền tảng tư tưởng cho Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã nhận xét rằng “Quán cà phê có thể gây hại cho chế độ quân chủ, vì đây là nơi người ta trao đổi những tri thức, thảo luận những quan điểm khác biệt về chính trị, xã hội một cách tự do, cởi mở”. Quán cà phê La Rontode ở Paris là nơi các nhà cách mạng lưu vong của Nga như Lenin và Trotsky đã gặp nhau nhiều lần.

Cà phê và lịch sử cuộc cách mạng công nghiệp

Ở nước Anh thế kỷ 18, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bùng nổ, công nhân ở các nhà máy mới không ngừng làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm nhờ cà phê. Hay chính xác hơn là chất caffeine trong đó.

Tất cả mọi người, từ người Thổ Nhĩ Kỳ, Ottoman cho đến những trí thức thời Khai sáng thế kỷ 18 đều nhận ra rằng chất kích thích trong cà phê giúp tăng cường năng lượng và nâng cao khả năng tập trung. Đối với các ngành sản xuất đòi hỏi nhiều động lực đang tìm cách giữ cho các nhà máy hoạt động liên tục, cà phê cho phép họ biến thời gian ngủ và thức theo ánh sáng mặt trời tự nhiên của công nhân thành “thời gian theo đồng hồ”. Những công nhân trước đây thường nghỉ giải lao để ăn năm lần một ngày giờ đây có thể duy trì mọi việc bằng cách nghỉ giải lao để uống cà phê, cơ chế lao động này là động lực chính để cho phép Cách mạng Công nghiệp lan sang các khu vực khác của Châu Âu và Bắc Mỹ.

Điều này đã khiến cà phê trở nên phổ biến như một chất kích thích giúp mọi người làm việc lâu hơn, thích nghi với ca đêm và theo đuổi nhiều hoạt động trí tuệ hơn. Sự trỗi dậy của các quán cà phê tỏ ra là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ, nhà thơ, chính trị gia, nhà cách mạng và thậm chí cả công nhân nhà máy bình thường. Như Mark Pendergrast đã viết trong cuốn Uncommon Grounds: The History of Coffee and How It Transformed Our World: “Thức uống của tầng lớp quý tộc đã trở thành thứ thuốc nghiện của đại chúng, và cà phê buổi sáng đã thay thế súp bia cho bữa sáng”.

Cà phê hòa tan và lịch sử chiến tranh thế giới.

Cà phê hòa tan tiện lợi, nhanh chóng hơn so với quá trình pha cà phê truyền thống đã phát triển trong Thế chiến thứ nhất. Đó là khi nhà phát minh người Mỹ George CL Washington tìm ra cách mở rộng quy mô sản xuất và bán cho quân đội, nhằm tăng khẩu phần chiến đấu cho binh lính.

“Tôi hạnh phúc bất chấp chuột, mưa, bùn, gió lùa, tiếng gầm của đại bác và tiếng đạn pháo…” một người lính Mỹ viết từ chiến hào năm 1918. “Chỉ mất một phút để thắp chiếc bếp dầu nhỏ của tôi và pha một ít cà phê George Washington.” Trong cuộc chiến đó, binh lính gọi nó là “chiếc cốc của George” (hay “cup of George“). Trong Thế chiến thứ hai , GI (một thuật ngữ không chính thức dùng để chỉ một người lính trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ) gọi nó là “Cuppa Joe”. Điều thú vị là ngày nay “Cuppa Joe“, “Cup A Joe” hay “Cup of Joe” được sử dụng để biểu thị một tách cà phê ngon, trong nhiều tạp chí, sách báo,… với nhiều giai thoại, và cách lý giải chưa thống nhất. Khi Hoa Kỳ tham chiến vào năm 1941, Quân đội đã đặt hàng 140.000 bao hạt cà phê mỗi tháng, gấp 10 lần đơn đặt hàng của năm trước, để pha cà phê hòa tan. Các quan chức đã đưa cà phê vào hệ thống phân phát khẩu phần cho dân thường trong chín tháng để ưu tiên sử dụng cho quân đội.