Giống cà phê AC1 nổi bật với lượng caffeine tự nhiên cực kỳ thấp, chỉ khoảng 0.76 mg caffeine trên mỗi gram cà phê, so với mức trung bình 8 đến 12 mg/g của giống Arabica thông thường. Vào những năm cuối thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Maria Bernadete Silvarolla thuộc Instituto Agronomica de Campinas (IAC) đã phát hiện ra ba giống cà phê Arabica của Ethiopia trồng tại Fazenda Santa Elisa, Campinas, Brazil có hàm lượng caffeine rất thấp.
Đặc điểm và khả năng của giống cà phê AC1
Dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Julio Mistro, nghiên cứu tại Fazenda Santa Elisa cho thấy giống cà phê AC1 là một loại cây cao với cành ít góc cạnh hơn so với các cây cà phê khác. Tuy nhiên, năng suất của giống này tương đối thấp. Dù có khả năng chống chịu bệnh gỉ sắt ở mức độ vừa phải, cây cà phê AC1 lại rất nhạy cảm với nhiệt độ cao và điều kiện khô hạn, điều này làm hạn chế khả năng phát triển rộng rãi của nó.
Tiềm năng phát triển cà phê khử cafein tự nhiên
Trong một nghiên cứu năm 2011 về đặc điểm của giống cà phê AC1, các nhà khoa học đã so sánh nó với giống Mundo Novo, một giống lai tự nhiên giữa Bourbon và Typica phổ biến tại Brazil. Mundo Novo có hàm lượng caffeine tương đối thấp, dao động từ 1% đến 1,2%. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống AC1 gần như hoàn toàn không có caffeine, thay vào đó là sự tích lũy theobromine. Điều này đã mở ra tiềm năng cho AC1 trở thành giống cà phê khử cafein tự nhiên trên thị trường toàn cầu.
Khó khăn trong việc phổ biến giống cà phê AC1 trên thị trường
Mặc dù có tiềm năng, việc phát triển và phổ biến cà phê AC1 không hề đơn giản. Theo tạp chí Decadent Decaf, vào những năm 1980, các nhà khoa học Mỹ tại DNA Plant Technology, New Jersey đã cố gắng sản xuất cà phê không chứa caffeine nhưng không thành công trong việc thương mại hóa. Caffeine là một loại thuốc trừ sâu tự nhiên, giúp cây cà phê chống lại sâu bệnh. Việc thiếu caffeine có thể khiến cây dễ bị nhiễm bệnh và suy kiệt, đồng thời dễ bị thụ phấn chéo, từ đó làm tăng lượng caffeine trong hạt cà phê.
Ngoài ra, việc trồng giống cà phê mới như AC1 đòi hỏi thời gian và chi phí đáng kể. Cây cà phê thường mất từ 3 đến 5 năm để cho thu hoạch vụ đầu tiên, khiến rủi ro đối với các nhà sản xuất là rất lớn. Do đó, dù có nhu cầu cao từ người tiêu dùng và các nhà rang xay cà phê đặc sản, nhưng việc đầu tư vào các giống cà phê có hàm lượng caffeine thấp vẫn còn rất hạn chế
Tổng kết
Giống cà phê AC1 có tiềm năng lớn trong việc phát triển cà phê khử cafein tự nhiên, tuy nhiên, để giống cà phê này trở nên phổ biến trên thị trường và đến tay người tiêu dùng vẫn còn là một chặng đường dài. Các vấn đề về khả năng chống sâu bệnh và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân cần được giải quyết trước khi có thể mở rộng quy mô sản xuất AC1 một cách bền vững. Việc nghiên cứu sâu hơn về giống cà phê này là cần thiết để có thể khai thác hết tiềm năng của nó và mang lại một lựa chọn cà phê mới cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.